Thành lập Singapore hiện đại (1819) Lịch_sử_Singapore

Thomas Stamford Raffles.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, quần đảo Mã Lai dần bị các cường quốc thực dân châu Âu chiếm giữ, bắt đầu khi người Bồ Đào Nha đến Malacca vào năm 1509. Trong thế kỷ 17, người Hà Lan thách thức ưu thế ban đầu của người Bồ Đào Nha, Hà Lan kiểm soát hầu hết các bến cảng trong khu vực. Người Hà Lan thiết lập độc quyền mậu dịch trong quần đảo, đặc biệt là hương liệu- đương thời là sản phẩm quan trọng nhất của khu vực. Các cường quốc thực dan khác, trong đó có người Anh, bị hạn chế cho một sự hiện diện tương đối nhỏ.[10]

Năm 1818, Stamford Raffles được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc của Thuộc địa Anh tại Bencoolen. Ông quả quyết rằng Anh Quốc nên thay thế Hà Lan trong vai trò là thế lực chi phối trong quần đảo, do tuyến dường mậu dịch giữa Trung QuốcẤn Độ thuộc Anh đi qua quần đảo. Người Hà Lan gây khó khăn cho hoạt động mậu dịch của Anh Quốc trong khu vực thông qua việc cấm người Anh hoạt động trong các bến cảng do Hà Lan kiểm soát hoặc đánh thuế cao. Stamford Raffles hy vọng thách thức người Hà Lan bằng việc thiết lập một bến cảng mới dọc theo eo biển Malacca, hành lang chính cho tàu thuyến trên tuyến mậu dịch Ấn Độ-Trung Quốc. Ông thuyết phục Toàn quyền Ấn Độ Francis Rawdon-Hastings và thượng cấp của mình tại Công ty Đông Ấn Anh để họ tài trợ cho một cuộc viễn chinh nhằm tìm kiếm một căn cứ mới của Anh trong khu vực.[10]

Stamford Raffles đến Singapore vào ngày 28 tháng 1 năm 1819 và nhanh chóng nhận ra đảo là một sự lựa chọn đương nhiên để thiết lập bến cảng mới. Đảo nằm đầu nam của bán đảo Mã Lai, gần eo biển Malacca, và sở hữu một cảng nước sâu tự nhiên, có các nguồn cung nước ngọt, và gỗ để tu bổ tàu. Stamford Raffles phát hiện một khu định cư nhỏ của người Mã Lai, với dân số vài trăm, tại cửa sông Singapore, thủ lĩnh là Temenggong Abdu'r Rahman. Trên danh nghĩa, đảo nằm dưới quyền cai trị của Quốc vương Johor, song quân chủ này nằm dưới sự khống chế của người Hà Lan và Bugis. Tuy nhiên, vương quốc bị suy yếu do phân tranh bè phái và Temenggong Abdu'r Rahman và các quan viên của mình trung thành với anh của Tengkoo Rahman là Tengku Hussein (hay Tengku Long)- người đang sống lưu vong tại Riau. Với trợ giúp của Temenggong, Stamford Raffles tìm cách bí mật đưa Hussein trở về Singapore. Stamford Raffles đề nghị công nhận Tengku Hussein là quốc vương hợp pháp của Johor và cung cấp cho người này một khoản báo đáp hàng năm; đổi lại, Hussein sẽ trao cho Anh Quốc quyền được thiết lập một trạm mậu dịch tại Singapore.[10] Một hiệp ước chính thức được ký kết vào ngày 6 tháng 2 năm 1819 và Singapore hiện đại ra đời.[11][12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Singapore http://www.channelnewsasia.com/casino/text_pmlee.h... http://www.channelnewsasia.com/stories/singaporelo... http://www.forbes.com/work/feeds/afx/2005/11/11/af... http://orbat.com/site/history/historical/malaysia/... http://www.seaarchaeology.com/v1/html/sg/fort_cann... http://www.singapore-elections.com/be1981/ http://inic.utexas.edu/asnic/countries/singapore/S... http://wayback.archive.org/web/20060903091054/http... http://wayback.archive.org/web/20070323095958/http... http://web.archive.org/web/20041210194736/http://w...